Do tính chất đặc thù nên ngành học này không cần tuyển nhiều sinh viên. Quan trọng là có thể đào tạo ra một người có đam mê, muốn cống hiến cho công việc.
Kỳ thi đại học là một trong những cột mốc quan trọng nhất với mỗi người. Đỗ đại học đã khó, lựa chọn được chuyên ngành thích hợp càng khó hơn. Bởi ngành học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, thành công trong tương lai.
Tại Trung Quốc, kỳ thi đại học (hay còn gọi là Gaokao) diễn ra vô cùng ác liệt với mức cạnh tranh cao. Có những ngành hot, thí sinh phải cạnh tranh với cả trăm người để giành được 1 suất nhập học. Đến khi ra trường, họ lại khó tìm việc làm bởi lượng công việc có hạn mà số cử nhân lại quá đông. Tuy nhiên có 1 ngành học mấy năm mới tuyển 1 sinh viên vì nhu cầu xã hội không cao nhưng chỉ cần ra trường là các công ty sẽ trải thảm mời về làm việc. Đó chính là ngành khảo cổ học!
Ngành học khan hiếm sinh viên
Khảo cổ học là ngành khoa học nghiên cứu hoạt động của con người trong quá khứ, thường bằng cách tìm kiếm, phục chế, sắp xếp và nghiên cứu những chi tiết văn hóa và dữ liệu môi trường mà họ để lại. Bao gồm vật tạo tác, kiến trúc, hiện vật sinh thái và phong cảnh văn hóa. Nhờ có khảo cổ học mà con người hiện đại có thể vén màn bí ẩn những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc…
Dù ít người theo học nhưng ngành khảo cổ vẫn tồn tại ở Trung Quốc và nhiều nước khác do nhu cầu của xã hội. Được biết, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa là một trong số những trường hiếm hoi hiện vẫn đang đào tạo, giảng dạy ngành nghề này. Do tính chất đặc thù nên ngành học này không cần tuyển nhiều sinh viên. Quan trọng là có thể đào tạo ra một người có đam mê, muốn cống hiến cho nền khảo cổ học nước nhà.
Ngành khảo cổ học ở Trung Quốc rất khan hiếm sinh viên – Ảnh minh họa.
Ngành học đem lại thu nhập ổn định cùng nhiều cơ hội công việc
Suốt những năm qua, ngành khảo cổ của Đại học Bắc Kinh chỉ có đúng 1 sinh viên theo học. Theo thống kê, kể từ khi chuyên ngành khảo cổ học được mở vào năm 2008 tại Đại học Bắc Kinh cho đến năm 2016, chỉ có 6 sinh viên tốt nghiệp trong suốt 8 năm. Điều này cho thấy ngành khảo cổ tại Trung Quốc đang rất khan hiếm nhân lực.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố năm 2017, mặc dù ngành khảo cổ học không được ưa chuộng nhưng nó lại được xếp hạng cao trong số những ngành nghề hứa hẹn. Do sự khan hiếm nhân lực nên khi sinh viên tốt nghiệp sẽ được các công ty trải thảm mời sẵn. Một số nơi còn giành giật nhân sự rất quyết liệt.
Khảo cổ học là bộ môn sâu rộng, liên ngành và liên quan đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả địa chất, hải dương học,… Chính vì vậy sinh viên khảo cổ học sẽ có kiến thức rất rộng. Vậy nên ngoài đi làm tại các công ty thì sinh viên tốt nghiệp xong có thể ở lại trường làm giảng viên hoặc công tác trong các bộ phận liên quan tới tài nguyên và đất đai. Được biết, thu nhập của nghề này ở Trung Quốc khá tốt. Nếu gọi khảo cổ học là ngành nghề hứa hẹn thì cũng không hề nói quá.
Triển vọng ngành khảo cổ học ở Việt Nam
Tại Việt Nam, bạn có thể theo học ngành Khảo cổ học tại khoa Lịch sử của các trường đại học, cao đẳng như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Huế, Đại học Quy Nhơn,…
Theo chia sẻ của PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung – Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử (đăng tải trên website ĐHQG Hà Nội) thì gần như 100% sinh viên tốt nghiệp ngành này đều có việc làm đúng chuyên môn. Thậm chí khi các em chưa tốt nghiệp, nhiều cơ quan, tổ chức đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Đó là vì nhu cầu nhân lực ngành này ở Việt Nam hiện rất lớn, trong khi số lượng đào tạo hàng năm rất hạn chế.
Những cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng sinh viên chuyên ngành này là Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Bảo tàng Quốc gia, các bảo tàng và ban quản lí di tích địa phương. Ngoài ra, nhiều cơ quan, công ty làm về du lịch cũng rất cần tuyển sinh viên ngành Khảo cổ học. Đặc biệt, từ năm 2001, khi Nhà nước ban hành Luật Di sản văn hoá với những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn nhân lực làm trong ngành Khảo cổ học. Điều này càng mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên chuyên ngành này.
Theo Nhịp Sống Việt